KỲ 2: Cuộc đời quay cuồng theo trái bóng

KỲ 2: Cuộc đời quay cuồng theo trái bóng

Euro, Champions League, Premier, Seri A.. bước vào mùa, cũng là lúc giới sinh viên (SV) máu me cờ bạc ở thành phố SV (TPSV) quay cuồng theo mỗi trận cầu. Giảng đường vốn ngày nào yên tĩnh giờ trở nên náo nhiệt bởi làn sóng cá độ đã len lỏi vào từng tiết học. Nhiều SV nướng cả tiền học phí, tiền ăn hàng tháng, kể cả đua nhau cầm máy vi tính, điện thoại di động... để lao vào các cuộc đỏ đen. Khi mùa bóng kết thúc cũng là lúc nhiều SV buộc phải rời giảng đường vì nợ tín chỉ, thậm chí không ít SV tìm cách "chuồn" khỏi TPSV để trốn nợ!

Đời SV bị cuốn tròn theo trái bóng

Một giờ đêm, theo chân Trần Văn Tuấn SV khoa Sinh, Trường ĐH Tự nhiên TP.HCM (ĐH QG TP.HCM) - một tay cá độ có máu mặt đã “rửa tay gác kiếm” gần một năm nay. Có mặt tại quán cà phê Tr. tại cổng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) trước giờ bóng lăn của trận cầu “Tây Ban Nha gặp Đức” rạng sáng ngày…Không khí trước giờ bóng lăn thật rôm rả với những lời bàn tán xôn xao theo gót chân từng nhóm người vào ghi điểm cá độ. Trước mắt tôi cảnh tượng đông đúc, tiếng hô hào hứng vang vọng cả khu làng ĐH. Trên ti vi hai đội đang thi đấu hết sức quyết liệt, chốc chốc lại có tiếng hô vang: “Đức chấp nửa trái, 2 chai” (một chai bằng một triệu đồng - PV). Trong góc quán có một người đàn ông trung niên mập mạp, cổ đeo sợi dây chuyền vàng sát bụng đứng dây hô lớn: “Đức chấp một trái, 10 chai”. Lát sau có những cánh tay giơ lên đồng ý, những người đồng ý tiến đến sát nhau cùng với nhiều thỏa thuận khác. Người ngồi cạnh quay sang hỏi tôi: “Tính đi đội nào? Sắp hết hiệp một rồi”, Tuấn liền quay sang nói: “Ông anh tôi đi xem thôi, không chơi”. Tuấn vừa dứt lời một người đàn ông khoảng 30 tuổi, mặc chiếc quần lửng ngang đầu gối và chiếc áo sát nách, mái tóc nhuộm vàng, trên cánh tay xăm hình hai con rồng, tay cầm hai chiếc điện thoại đến đá nhẹ chiếc ghế sát bên tôi hỏi: “Chú mày mới đến hả, đánh tài sỉu hay đánh rung?”. Tôi đang ú ớ chưa biết trả lời thế nào thì Tuấn chen vào: “Dạo này “tu” rồi anh ạ, với lại kinh tế gần đây cũng “vã” quá”. Người đàn ông liền đứng dậy đến chỗ khác ngồi. Tôi quay sang hỏi Tuấn về tài sỉu hay đánh rung là gì? Tuấn giải thích tỉ mỉ: “Tài sỉu là bắt tổng số bàn thắng nhất định mà nhà cái đặt ra, tài là cửa trên, sỉu là cửa dưới. Đánh rung là đánh từ phút 60 trở đi, bất kỳ đội nào ghi bàn từ phút 60 trở đi người đánh cá sẽ thắng”. Tuấn đang giải thích bỗng dưng cả quán vỡ òa khi Tây Ban Nha ghi bàn thắng, đâu đó vang lên tiếng chửi thề. Một SV bàn trên bứt tóc, rầu rĩ: “Đ.M. tao đi tong hai chai rồi”. Còn bàn sát góc quán một thanh niên cười hí hửng: “Gỡ được chai rưỡi rồi”. Phấn chấn, người thanh niên quay lại giải thích với bạn của mình: “Mấy trận trước khi nào cá cũng thua 4-5 chai! Chắc bữa nay vận đỏ tới rồi”. Hiệp một kết thúc, lúc này có nhiều chiếc điện thoại đổ chuông liên tục, một người thanh niên bắt máy: “Ghi thằng Tây Ban Nha, hôm nay kèo thơm quá! Mày bắt không tao ghi giúp cho”. Chỗ khác đang gặng hỏi: Chắc chứ! Ba triệu hả”. Ngoài cửa một SV đi vào hất cằm với người bạn ngồi phía trong, than thở: “Lại vừa đi toi một năm tiền học phí mày ạ, sao mấy bữa nay đen quá!”.

Hiệp một kết thúc khoảng 5 phút chúng tôi chạy xe đến các quán cà phê nằm ngoài xa lộ (khu vực trước cổng vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM). Rảo qua một vòng chúng tôi thấy quán nào cũng chật kín, ngồi cả ra ngoài đường. Lúc này, hiệp hai bắt đầu, Đức bắt đầu vỡ trận, Tây Ban Nha tấn công ồ ạt, tiếng vỗ tay, gào thét ngày càng lớn. Chúng tôi liền tìm một quán cà phê đông khách nhất kêu li nước ngồi xem. Nơi đây hoạt động kín đáo hơn so chỗ chúng tôi vừa ra, bàn ghi độ thì nằm gần nhà vệ sinh, phía trước là những chậu cây cảnhnằm chắn thành hai hàng. Lát sau một thanh niên tiến đến hỏi: “Chơi đội nào? “Bò tót” Tây Ban Nha hiệp này đá dữ lắm, không biết thằng “cỗ xe tăng” Đức có trụ nổi không”. Tôi liền lắc đầu, Tuấn tiếp lời: “Dạo này thằng Hưng có đến không”, người thanh niên quay đi nói vọng lại: “Nó “ù” mất 40 triệu, tao đang tìm nó đây”. Một SV với chiếc kính cận, đầu tóc bù xù móc trong túi ra mấy tờ 20 ngàn đồng cùng một số đồng cắc ra đếm. “Chị ghi thằng Đức thắng chung cuộc cho em, tỷ lệ 1 ăn 2” - người SV nói. Khi tiếng còi vang lên chiến thắng thuộc về Tây Ban Nha thì cảnh tượng kẻ khóc, người cười. Những tiếng chửi thề tục tĩu phát ra xen với những tiếng cười làm ồn ào cả một khu vực. Gần 4 giờ sáng khi bước ra xe đi về chúng tôi còn nghe hai SV tâm sự: “Lấy tiền đâu trả nó bây giờ, thua hết rồi”. Người bạn kia nói lại: “Xe tao đi cầm ở chỗ bà L. rồi, chắc lại phải kêu “ông già” lên lấy ra thôi”.

Qua một đêm theo Tuấn, tuy đã chuẩn bị tinh thần, nhưng chúng tôi thật sự thấy “choáng”. Bởi, SV được xem là kẻ “nghèo” tiền, “giàu” tri thức, nhưng lại gửi sự nghiệp, tương lai và cả tuổi trẻ vào trò đỏ đen, may rủi. Đáng nói hơn là cảnh đỏ đen phô bày như giữa ban ngày, nhưng các cơ quan chức năng thì vẫn làm ngơ.



Giảng đường từ chối… SV về đâu?

Khi có giấy báo Tùng bị ngưng học về nhà, cha mẹ Tùng tưởng trường gửi nhầm địa chỉ. Bởi Tùng là một học sinh ngoan, học giỏi có tiếng ở huyện nhà từ khi đi học đến nay. Tùng bước chân vào giảng đường là niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Bác Duy Khá - cha Tùng vừa lấy tay lau nước mắt vừa kể: “Đọc xong giấy báo của nhà trường, tôi khăn gói vào Sài Gòn để tìm hiểu hư thực thế nào và gặp con. Vào phòng đào tạo nhà trường tôi mới tá hỏa là con mình đã bị ngưng học gần một tháng, vì thiếu 90 tín chỉ và tiền học phí. Lân la hỏi hết người này đến người nọ mới tìm được chỗ ở của Tùng. Vừa tới, chưa kịp thở thì bà chủ nhà biết là người nhà nên hỏi liền tiền nhà: “Hiện nay em nó nợ hơn 30 triệu đồng chủ yếu là nợ chủ cá độ, còn lại là bạn bè, người quen” - bà Hà, chủ nhà trọ cho hay. Bác Khá phải ở gần một tuần mới thấy Tùng ghé phòng, rồi sau đó lại lủi đi trốn nợ. Bác nói tiếp: “Thấy con mình như vậy, lòng tôi như muối xát, không hiểu vì sao ra cớ sự. Tôi nhắm mắt về quê bàn với bà nhà bán cặp bò, rồi vội vã quay lên thành phố trả nợ cho cháu”.

Còn Trung, từ Hải Dương vào Sài Gòn ăn học. Gia đình Trung nghèo, nhưng Trung học rất giỏi. Nhập trường được một thời gian thì cha lâm bệnh nặng và mất sau đó mấy tháng, người mẹ do đau buồn và lao lực nhiều cũng trở bệnh cũ. Học hết học kỳ một Trung phải đi làm để tự nuôi mình ăn học và phụ giúp gia đình. Trung rầu rĩ nói: “Được bạn xin cho vào làm quán cà phê, quán này thường xuyên mở đá banh qua truyền hình cáp. Do thấy nhanh nhẹn, lại thích bóng đá nên ông chủ đã giao cho em phục vụ những vị khách thường xuyên xem đá banh. Thời gian sau, em rành về các đội bóng, tình hình “chân giò” các cầu thủ… nên nhiều người thường đến trao đổi bóng đá cùng em. Dần dần em sa vào cá độ lúc nào không hay. Hiện nay em đã nợ hơn 40 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu ra trả, còn chuyện học thì coi như đi tong rồi”.

Mùa bóng Euro vừa khép lại, đã biết bao SV mang xe máy, vi tính, điện thoại di động… đi cầm để trả nợ vì thua độ. Nhiều SV bị nhà trường đuổi học, một số khác tìm đường “chuồn” nhưng cũng không thoát khỏi, cha mẹ lại phải lên trả nợ. Mùa bóng mới Champions League, Premier, Seri A... lại sắp khởi tranh, không biết có bao nhiêu SV nữa lại khăn gói rời giảng đường.

Văn Mạnh

Nguồn www.giaoduc.edu.vn