Nghề sửa chữa xe gắn máy

Nghề sửa chữa xe gắn máy

Cái tên nghề đã nói lên tính chất và đặc trưng của nghề, đó là nghề sửa chữa xe máy. Do nghề này phổ biến gần như ở mọi nẻo đường có xe máy nên nghề này không xa lạ gì. Đơn giản là xe hư gì thì sửa nấy, hoặc tu sửa xe.

 

Sự phù hợp nghề:
- Đây là nghề liên quan nhiều đến cơ khí, dầu nhớt... thực sự là không thích hợp cho nữ cho các công việc kỹ thuật trực tiếp, tuy vậy nữ có thể tham gia ở các bộ phận hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.
- Nghề này không đòi hỏi khả năng tư duy nhiều, chủ yếu là chăm chỉ luyện tập và chịu khó mày mò là được, Vì vậy, mọi đối tượng đều có thể học nghề này.

Làm thợ không giàu, nhưng không sợ chết đói

VIỆT NAM - Ở Việt Nam, phương tiện giao thông được dùng chủ yếu là xe máy. Lượng xe máy tham gia giao thông chiếm 90%. Nhất là vào thời điểm hiện tại, đường phố ở Việt Nam nhỏ, hay tắc nghẽn thì xe máy là phương tiện di chuyển tiện lợi nhất. Và xe máy cũng là chiếc xe dễ hư nhất, nên không lạ gì khi các cửa hàng đại tu, sửa chữa xe máy mọc lên khắp nơi. Từ những cửa hàng bảo dưỡng xe máy lớn, được đầu tư nhiều cho đến những cửa hàng nhỏ, thậm chí cửa hàng vỉa hè luôn rơi vào tình trạng hoạt động quá tải. Do đó, nghề sửa xe máy được xem là nghề khá “hot”, nhất là đối với thanh niên Việt Nam hiện nay.

Hàng năm, có đến hàng nghìn thanh niên theo học tại các trung tâm dạy sửa xe gắn máy. So với nghề khác, nghề này cũng dễ học và dễ kiếm việc. Hơn nữa, người thợ chỉ làm việc một chỗ, không vất vả, cơ cực như những nghề phải “một nắng, hai sương”. Quan trọng là người thợ phải có kỹ thuật vững vàng, cộng thêm kinh nghiệm lâu năm thì làm không hết việc.

Những tâm sự nghề sửa chữa xe máy

Ở các con đường hiện nay, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp một cửa hàng sửa chữa, đại tu xe máy. Theo một ông chủ cửa hàng sửa chữa xe máy cho biết thì những cửa hàng lớn thu vào không dưới 10 triệu một ngày. P.T.H., nhân viên công ty FPT cho biết: “Nghề sửa xe máy kiếm được quá còn gì. Hôm trước tôi mang xe đi bảo dưỡng, thanh toán mất 500,000 đồng, hết một nửa tháng lương còn gì. Xe hư ít, sửa 5, 10 phút thì trả khoảng vài chục ngàn, nếu phải thay vài ba món thì mất vài trăm nghìn như chơi. Chủ cửa hàng vừa sửa xe vừa bán phụ tùng, thu nhập đâu có ít!”

Anh Trung, một thợ sửa xe đường Minh Khai thì lại cho rằng: “Không phải người thợ sửa xe máy nào cũng kiếm được nhiều cả”. Anh Trung nói thêm: “Muốn làm giàu từ nghề này thì phải tự mở cửa hàng. Muốn mở cửa hàng thì phải có tiền. Chỉ nội tiền mua trang thiết bị thôi cũng đủ chết. Còn không có tiền thì chỉ đi làm thuê, mỗi tháng lương bèo bọt chừng 800,000 đồng. Chỉ có chủ tiệm mới mong làm giàu được thôi.”

Người mới ra trường phải xin làm không lương để học việc. Sau vài tháng, nếu chủ thấy làm được, tính tình đàng hoàng thì mới tính chuyện trả lương và làm việc lâu dài. Một số của hàng nhận dạy nghề rồi cho học viên thử việc tại chỗ. Tiền lương mấy tháng đầu coi như tiền học nghề. Cũng có người chí thú làm ăn, làm mấy năm rành nghề rồi góp tiền mở một cửa hàng nhỏ, tự làm chủ. Nếu trời thương và làm ăn đàng hoàng, uy tín, chỉ vài năm sau là thu nhập vài triệu một ngày như anh bạn tôi, đang làm chủ một cửa hàng xe máy đường Lĩnh Nam. Anh Thành Trung, nhân viên đài kỹ thuật số VTC nhận xét: “Nói chung, nghề sửa xe máy kiếm ăn được. Không sợ chết đói hay không có việc làm”.

NƠI ĐÀO TẠO:

Nghề sửa chữa xe máy là nghề phổ thông được dạy tại hầu hết các trung tâm dạy nghề trên toàn quốc, bạn có thể đến tìm hiểu và theo học nghề tại các trung tâm dạy nghề này.

Hoặc bạn có thể theo học thầy tại các tiệm sửa chữa mà được nhận xét là truyền dạy tốt và lành nghề.

NGUYỄN DŨNG / Hướng nghiệp Việt