Nghề sửa chữa xe máy

Nghề sửa chữa xe máy

Ở Việt Nam, phương tiện giao thông được dùng chủ yếu là xe máy. Lượng xe máy tham gia giao thông chiếm 90%. Nhất là vào thời điểm hiện tại, đường phố ở Việt Nam nhỏ, hay tắc nghẽn thì xe máy là phương tiện di chuyển tiện lợi nhất.

Và xe máy cũng là chiếc xe dễ hư nhất, nên không lạ gì khi các cửa hàng đại tu, sửa chữa xe máy mọc lên khắp nơi. Từ những cửa hàng bảo dưỡng xe máy lớn, được đầu tư nhiều cho đến những cửa hàng nhỏ, thậm chí cửa hàng vỉa hè luôn rơi vào tình trạng hoạt động quá tải. Do đó, nghề sửa xe máy được xem là nghề khá “hot”, nhất là đối với thanh niên Việt Nam hiện nay.

Làm nghề sửa xe máy không giàu, nhưng không sợ chết đói

Hàng năm, có đến hàng nghìn thanh niên theo học nghề tại các trung tâm dạy sửa xe gắn máy. So với nghề khác, nghề này cũng dễ học và dễ kiếm việc. Hơn nữa, người thợ chỉ làm việc một chỗ, không vất vả, cơ cực như những nghề phải “một nắng, hai sương”. Quan trọng là người thợ phải có kỹ thuật vững vàng, cộng thêm kinh nghiệm lâu năm thì làm không hết việc.

Ở các con đường ở Hà Nội hiện nay, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp một cửa hàng sửa chữa, đại tu xe máy. Anh bạn của anh rể tôi có một cửa hàng nằm trong ngõ nhỏ, nhưng trung bình mỗi ngày kiếm được từ 1 đến 2 triệu đồng. Theo một ông chủ cửa hàng sửa chữa xe máy cho biết thì những cửa hàng lớn thu vào không dưới 10 triệu một ngày. P.T.H., nhân viên công ty FPT cho biết: “Nghề sửa xe máy kiếm được quá còn gì. Hôm trước tôi mang xe đi bảo dưỡng, thanh toán mất 500,000 đồng, hết một nửa tháng lương còn gì. Xe hư ít, sửa 5, 10 phút thì trả khoảng vài chục ngàn, nếu phải thay vài ba món thì mất vài trăm nghìn như chơi. Chủ cửa hàng vừa sửa xe vừa bán phụ tùng, thu nhập đâu có ít!”

Anh Thanh Sơn, nhân viên một công ty du lịch tâm sự: “Xe máy xịn thì ít phải sửa chữa, còn xe ‘Tàu’ (Trung Quốc) thì đi sửa chẳng khác gì mình vô bệnh viện. Mà không đi khám bệnh thì thôi chứ cứ đi khám là ra lòi ra đủ thứ bệnh. Dân Việt Nam lại hay dùng xe máy ‘Tàu’ vì rẻ, nên các cửa hàng sửa xe máy tha hồ làm ăn. Mới đây tôi mang xe đi sửa cái đề (starter) mà bọn nó vác ra đủ thứ hỏng hóc khác nào là buggie, nắn đầu máy, thay xích... khiến tôi choáng cả người. Thực ra, thay hết thì xe đi ngon hơn nhưng tiền đâu mà chịu nổi, còn không thay lại bực mình”.

Anh Trung, một thợ sửa xe đường Minh Khai thì lại cho rằng: “Không phải người thợ sửa xe máy nào cũng kiếm được nhiều cả”. Trung nói thêm: “Muốn làm giàu từ nghề này thì phải tự mở cửa hàng. Muốn mở cửa hàng thì phải có tiền. Chỉ nội tiền mua trang thiết bị thôi cũng đủ chết. Còn không có tiền thì chỉ đi làm thuê, mỗi tháng lương bèo bọt chừng 800,000 đồng. Chỉ có chủ tiệm mới mong làm giàu được thôi.”

Người mới ra trường phải xin làm không lương để học việc. Sau vài tháng, nếu chủ thấy làm được, tính tình đàng hoàng thì mới tính chuyện trả lương và làm việc lâu dài. Một số của hàng nhận dạy nghề rồi cho học viên thử việc tại chỗ. Tiền lương mấy tháng đầu coi như tiền học nghề. Cũng có người chí thú làm ăn, làm mấy năm rành nghề rồi góp tiền mở một cửa hàng nhỏ, tự làm chủ. Nếu trời thương và làm ăn đàng hoàng, uy tín, chỉ vài năm sau là thu nhập vài triệu một ngày như anh bạn tôi, đang làm chủ một cửa hàng xe máy đường Lĩnh Nam. Anh Thành Trung, nhân viên đài kỹ thuật số VTC nhận xét: “Nói chung, nghề sửa xe máy kiếm ăn được. Không sợ chết đói hay không có việc làm”. www.huongnghiepviet.com

Học nghề sửa xe máy ở trường không bằng... ở tiệm

Việc học nghề sửa chữa xe máy không đòi hỏi khả năng tư duy của người học, thay vào đó là việc rèn luyện các kỹ năng sửa chữa nên các không kén chọn đối tượng học. Nắm được nhu cầu thị trường, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp từ lớn tới nhỏ đều mở các lớp sửa chữa xe máy, ngay cả đến cả các cơ sở chưa đủ trang thiết bị cũng mở lớp đào tạo.



Khảo sát của chúng tôi tại một số trung tâm dạy nghề ở các quận huyện vùng ven cho thấy phần lớn phòng ốc và cơ sở vật chất - từ bàn ghế đến các trang thiết bị - đều cũ kỹ. Anh Nguyễn Văn Tình, ngụ tại huyện Bình Chánh tâm sự: “Sau khi đất gia đình bị thu hồi để xây dựng đường cao tốc, tôi đến Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh xin học nghề và được giới thiệu học nghề may hoặc sửa chữa xe máy. Học được một thời gian ngắn, tôi phải bỏ ngang vì thầy dạy lý thuyết nhiều quá. Sau đó, tôi theo mấy đứa bạn ra ngoài học việc ở tiệm sửa xe, vừa có tiền công, vừa dễ hiểu”. www.huongnghiepviet.com

Khi đến Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh, chúng tôi ghi nhận cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ việc thực hành và học của học viên quá sơ sài. Lớp sửa chữa xe máy nhưng phương tiện học tập của học viên chỉ có vài lốc máy xe gắn máy cũ kỹ. Còn ở lớp dạy nghề mộc, máy móc cũng lạc hậu, cũ kỹ không kém.

Thế nhưng, bài toán thu hút học viên không chỉ vướng ở cơ sở vật chất. Hiện nay các Trung tâm Dạy nghề quận 2 và huyện Cần Giờ dù được đầu tư khá tốt nhưng vẫn mòn mỏi chờ học viên đến học, dù hàng năm ngân sách bỏ ra hàng tỷ đồng để giảm và miễn học phí cho thanh niên nông thôn theo học nghề.

“Thiết bị của một số cơ sở dạy nghề không đáp ứng nhu cầu người học nên chưa hấp dẫn lao động nông nghiệp đến học nghề. Đa số thanh niên có tâm lý ngại học nghề hoặc do hạn chế về trình độ học vấn khiến họ thiếu quyết tâm để học nghề tới nơi tới chốn, nhất là những nghề áp dụng công nghệ mới. Chính từ tâm lý ngại khó, tính thiếu kỷ luật và lười học là rào cản lớn nhất ngăn cản thanh niên nông thôn đến với trường nghề”, một cán bộ Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân bộc bạch.
www.huongnghiepviet.com

Bài viết có sao chép một số đoạn từ bài viết của Nguyên Lê trên website Người Việt nguoi-viet.com, từ bài báo CHUYỆN HỌC NGHỀ CỦA THANH NIÊN NÔNG THÔN: NGHỊCH LÝ THIẾU - THỪA trên website doanthanhnien.vn

Nguyễn Dũng