Nhu cầu về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT: Một số cơ sở thực tiễn

Nhu cầu về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT: Một số cơ sở thực tiễn

Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp vẫn còn chưa thật sự được chú trọng.

Dù Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã có những chủ trương định hướng cho việc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nhưng đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp vẫn còn chưa thật sự được chú trọng. Thực trạng này đã cần thiết phải thay đổi hay không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ tham khảo một số kết quả khảo sát thực tiễn sau đây:

Quyết định của học sinh trung học phổ thông (THPT) về trường/ngành sẽ học sau khi tốt nghiệp THPT và tâm trạng khi có các quyết định đó.

Một trong những nét đặc thù của học sinh THPT là các em phải lựa chọn ngành học (nghề nghiệp sau này) sau khi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của nghề nghiệp/công việc đối với mỗi người trong xã hội và giá trị của hoạt động nghề nghiệp, hầu hết học sinh THPT (95,9%) đã có những suy nghĩ về ngành nghề sẽ học sau khi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các em cũng đã có những quyết định lựa chọn ngành nghề sẽ học: 88,2% số em đã có những quyết định về các ngành nghề hoặc trường đại học sau này sẽ dự thi.
Tuy nhiên, chỉ có 36,4% số học sinh hoàn toàn tin tưởng rằng những ngành nghề mà các em đã chọn và dự định sẽ học là hoàn toàn phù hợp với các em; 40,9% - còn băn khoăn không biết ngành nghề đã chọn có thật sự phù hợp với các em không; 12,1% - không biết sau này có xin được việc làm đúng nghề đã học không và 10,6% số học sinh cảm thấy khó trả lời. Tình trạng nêu trên diễn ra như nhau ở tất cả các khối lớp. Như vậy còn khá nhiều học sinh hoặc thiếu hiểu biết về phẩm chất và năng lực của bản thân, hoặc thiếu hiểu biết về các ngành nghề mà các em đã chọn.

Lý do chọn ngành nghề sẽ học của học sinh THPT.
Theo các nhà chuyên môn thì ba điểm tựa cần chú ý khi một cá nhân quyết định lựa chọn ngành nghề nào đó cho mình là sự phù hợp năng lực của cá nhân với nghề, sự hứng thú, say mê nghề và nhu cầu xã hội. Các kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy, nhiều học sinh THPT đã hiểu được tầm quan trọng của hai điểm tựa đầu tiên là sự phù hợp năng lực với nghề và hứng thú nghề: hơn 80% số học sinh khẳng định cần phải quan tâm đến những vấn đề này khi lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội về nhân lực trong từng lĩnh vực nghề nghiệp lại chỉ được khoảng 1/3 số học sinh chú ý. Như vậy nếu chúng ta hình dung ba điểm tựa nêu trên như ba chân của một cái kiềng - quyết định ngành nghề một cách khoa học, thì trên bình diện nhận thức, với khoảng 2/3 học sinh, cái kiềng đó đã bị lệch, nghĩa là những quyết định lựa chọn ngành nghề dựa trên cơ sở nhận thức như vậy của những học sinh này sẽ không chắc chắn đảm bảo cho các em có những thuận lợi trong tìm kiếm việc làm sau này.

Câu hỏi đặt ra là những hiểu biết như trên của học sinh đã có tác động đến việc quyết định lựa chọn ngành nghề của các em trên thực tế như thế nào?
Trên cơ sở tự đánh giá của học sinh, có thể thấy việc lựa chọn ngành nghề học sau khi tốt nghiệp THPT của các em có một số điểm nổi bật sau đây:
- Hiểu biết của học sinh về những điểm tựa cần chú ý khi lựa chọn ngành nghề không hoàn toàn chi phối hành động thực tế của các em trong lựa chọn ngành học. Tính thực dụng được thể hiện ở khá nhiều em (khoảng 1/2 số học sinh) khi các em xem khả năng dễ tìm được việc làm sau quá trình đào tạo nghề (nhu cầu xã hội về nhân lực trong nghề đã lựa chọn) hoặc triển vọng phát triển của nghề trong tương lai là 1 trong 5 nhân tố quan trọng nhất cần tính đến khi quyết định lựa chọn một ngành nghề nhất định.

- Sự lựa chọn ngành nghề chịu sự chi phối bởi định hướng giá trị nghề của các em nhiều hơn là những hiểu biết lý thuyết là phải chọn nghề như thế nào cho khoa học. Những lý do chi phối hành động lựa chọn ngành học khá phù hợp với định hướng giá trị của các em thể hiện trong đánh giá các giá trị của hoạt động nghề nghiệp/việc làm. Thu nhập tốt là lý do được nhiều em lấy làm cơ sở để quyết định sẽ theo học một nghề nào đó nhất (63,6%).

Về cơ bản, những lý do xuất phát điểm để học sinh lựa chọn một ngành nghề nào đó thật sự gắn với những giá trị đích thực của nghề nghiệp: Nghề nghiệp có thể đem lại thu nhập, thoả mãn những nhu cầu tinh thần và tạo cơ hội cho mỗi cá nhân đóng góp sức mình cho xã hội. Tính nhàn hạ của công việc hay cơ hội làm việc gần nhà không phải là những giá trị chi phối hành động lựa chọn ngành sẽ học của nhiều em. Cũng không nhiều em bị chi phối bởi mong muốn của bố mẹ (chỉ có 14,0% lựa chọn ngành nào đó do bố mẹ muốn thế), đặc biệt là bạn bè (0,9%). Cơ hội thăng tiến sau này cũng chỉ được khoảng gần 1/5 số em xem là 1 trong 5 lý do quan trọng nhất để em lựa chọn ngành nghề.

- Điều đáng chú ý là sự phù hợp giữa năng lực cá nhân với nghề chỉ chi phối hành động lựa chọn nghề của 57,2% số em và hứng thú nghề chi phối 58,7% số em.

Hiểu biết của học sinh THPT về những ngành nghề đã lựa chọn sẽ học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo kết quả khảo sát thì khoảng 2/3 số học sinh có biết sơ sơ về các công việc cụ thể của những người lao động làm trong những ngành nghề mà các em đã chọn hoặc nơi làm việc của những người có chuyên môn ngành đó, khoảng 1/6 biết rõ và ít hơn một chút là không biết gì về những điều này. Tuy nhiên, thực chất của những hiểu biết đó là như thế nào thì chúng ta cũng dề hình dung được, khi mà hiện nay ở nước ta chưa có những tổ chức soạn thảo những hệ thống thông tin chuẩn, chi tiết và bám sát những thay đổi trong quá trình phát triển của các loại ngành nghề trong xã hội.

Tóm lại, dù tâm thế hướng nghiệp ở học sinh THPT đã hình thành rõ nét, song định hướng lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THPT của các em còn mang tính tự phát là chủ yếu do thiếu sự hướng dẫn của hoạt động tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp.

Lê Hương

Nguồn Viện tâm lý học (Viện khoa học xã hội Việt Nam)
http://www.tamly.com.vn/home/?act=News-Detail-s-11-113-Nhu_cau_ve_tu_van_huong_nghiep_cho_hoc_sinh_THPT:_Mot_so_co_so_thuc_tien