Đào tạo nghề và hướng nghiệp trong xã hội hiện đại và nền kinh tế tri thức

Đào tạo nghề và hướng nghiệp trong xã hội hiện đại và nền kinh tế tri thức

Trong thời đại hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam đang có nhiều đổi mới. Việc phát triển nguồn nhân lực cao đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là một chiến lược quốc gia trong toàn bộ chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực mà trọng tâm là việc nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực.

Bối cảnh quốc tế

Trong thời gian vừa qua, trên thế giới đang tiếp tục diễn ra cuộc cách mạng khoa học–công nghệ, sự chuyển biến từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự ra đời của các công nghệ cao đã giúp các nước phát triển tái công nghiệp hoá, và giúp các nước đang phát triển rút ngắn con đường công nghiệp hoá, làm thay đổi cơ cấu công nghiệp nhiều nước. Thế giới bước sang kỷ nguyên của xã hội thông tin.

Cách mạng thông tin đã thúc đẩy sự ra đời của nền kinh tế tri thức (knowledge economy)."Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống". Nền kinh tế tri thức có một số đặc điểm quan trọng sau:

- Sản xuất tri thức, sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiêu biểu nhất.

- Tỷ trọng GDP dịch chuyển dần từ sản xuất vật chất sang hoạt động dịch vụ, xử lý thông tin.

- Lao động tri thức chiếm tỷ lệ cao (70 - 90%).

- Học tập thường xuyên, học tập suốt đời là đặc điểm nổi bật của xã hội và nền kinh tế tri thức.

Toàn cầu hoá (globalization) và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, vừa là quá trình hợp tác để phát triển vừa là quá trình đấu tranh của các nước để bảo vệ lợi ích quốc gia. Xu thế toàn cầu hoá làm nảy sinh sự hội nhập của các nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế thế giới, sự ra đời các tổ chức kinh tế quốc tế.

Nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Mạng viễn thông và Internet tạo thuận lợi cho giao lưu và hội nhập văn hoá giữa các quốc gia, hình thành những cộng đồng văn hoá. Trong bối cảnh đó đòi hỏi các dân tộc phải có chiến lược để bảo tồn các nền văn hoá yếu trước nguy cơ đồng hoá của các nền văn hoá mạnh.

Hội nhập văn hoá là là một xu hướng tất yếu, buộc các quốc gia phải giải quyết mối quan hệ giữa bản sắc dân tộc và sự hội nhập văn hoá, bảo tồn và phục hồi những đặc trưng văn hoá dân tộc và đồng thời tiếp nhận có chọn lọc nền văn hoá của các quốc gia khác. Hệ thống giáo dục có vai trò bảo tồn nền văn hoá dân tộc tạo cơ sở để giao lưu, hợp tác và duy trì an ninh.

Những đặc điểm cơ bản trên của nền kinh tế - xã hội hiện đại đã có tác động rất lớn đến toàn bộ nền giáo dục, đòi hỏi giáo dục (trong đó có giáo dục nghề nghiệp) phải tự nâng mình lên để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đặc điểm và yêu cầu mới trong đào tạo nghề và hướng nghiệp

Trước hết, giáo dục nghề nghiệp cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Khi đề cập tới nguồn lực quyết định nhất đến sự phát triển kinh tế – xã hội, người ta thường cho rằng đó là vốn con người (human capital), là nguồn nhân lực (human resource). Nguồn nhân lực có chất lượng cao về trí tuệ và kỹ năng đã trở thành lợi thế quyết định đối với mỗi quốc gia. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng những đòi hỏi mới này trở thành quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực và nhân tài cho sự phát triển khoa học và công nghệ, cho sự hình thành và phát triển của xã hội thông tin và tạo nguồn trí lực cho nền kinh tế tri thức và sự phát triển khoa học-công nghệ cũng tạo ra phương tiện mới giúp cho quá trình giáo dục hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề và hướng nghiệp, nền kinh tế tri thức có những đặc điểm và yêu cầu như sau:

1. Từng bước xoá bỏ sự cách biệt cứng nhắc giữa lao động chân tay và lao động trí óc; sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị; giữa lao động thừa hành và lao động quản lý..vv

2. Thay đổi sự phân loại nghề nghiệp truyền thống theo  lĩnh vực kinh tế-xã hội , ngành, nghề ( công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ) hay theo văn bằng, trình độ đào tạo ( sơ học, trung học, đại học..). Xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Dịch vụ trở thành một lĩnh vực nghề nghiệp phổ biến trong nền kinh tế tri thức.

3. Xoá bỏ tính định mệnh nghề nghiệp cho các cá nhân do phải thay đổi và chuyển  nghề hoặc việc làm nhiều lần trong toàn bộ cuộc đời.

4. Dỡ bỏ những rào cản giữa những đặc điểm nhân cách cá nhân (đặc điểm tâm –sinh lý, sức khoẻ, thành phần xã hội, xu hướng nghề nghiệp…) với các loại hình nghề nghiệp khác nhau về tính chất, nội dung, công cụ , môi trường lao động… Mỗi một cá nhân có thể thích ứng với nhiều loại hình nghề nghiệp, việc làm khác nhau và ở những môi trường khác nhau.

5. Chuyển từ đào tạo nghề một lần sang đào tạo, bồi dưỡng liên tục, suốt đời . Chuyển từ đào tạo kỹ năng sang đào tạo và hình thành năng lực đặc biệt là các năng lực mềm (tư duy, thích nghi, biến đổi…)

6. Thay đổi những định hướng giá trị nghề nghiệp  trong đó  bảo đảm  kết hợp hài hoà giữa lợi ích, nhu cầu cá nhân và xã hội , cân  bằng các giá trị, lợi  ích  vật chất ( thu nhập, lưong bổng, đãi ngộ ...) và giá trị tinh thần (thoả mãn sự hứng thú, say mê công việc…).

7. Khởi nghiệp bắt đầu không phải từ sự phù hợp, thích ứng nghề nghiệp mà cần bắt đầu từ sự say mê, hứng thú, khám phá thế giới nghề nghiệp.

Như vậy, nền kinh tế tri thức đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, có thể thích ứng với nhiều loại hình nghề nghiệp. Từ đó, giáo dục nghề nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực phải đa năng…Người lao động phải biết di chuyển kĩ năng, di chuyển cảm xúc…khi chuyển đổi công việc. Đây là vấn đề khó khăn đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp hiện đại.

“ Trong thời đại được đặc trưng bởi những thách thức lớn như thay đổi công nghệ, toàn cầu hoá, bất ổn định về kinh tế và suy giảm các nguồn lực, vấn đề cấp bách đặt ra là các bên liên quan cùng nhau xây dựng khuôn khổ pháp lý và các chính sách, thiết lập các cấu trúc mang tính thể chế và tái thiết kế các chương trình đào tạo nhằm đảm bảo Giáo dục nghề nghiệp (TVE – Technical & Vocational Education) đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau của mọi thành viên trong xã hội trong việc hoà nhập hay tái hoà nhập vào thế giới việc làm.

Việc hình thành các kỹ năng lập nghiệp được coi là sự chuẩn bị hết sức cần thiết cho tất cả những người lao động bất kể họ sẽ tự tạo việc làm hay người làm công ăn lương. Đào tạo về lập nghiệp được coi là một công cụ hữu ích để thúc đẩy động cơ, tính sáng tạo và sự đổi mới. Bên cạnh đó, các kỹ năng lập nghiệp cũng được cho là sẽ giúp trang bị cho người học khả năng tạo ra các cơ hội việc làm thông qua việc thành lập các doanh nghiệp mới”.

(theo văn kiện Hội nghị thế giới về  Giáo dục nghề nghiệp-UNESCO-1999).

Trong đào tạo nghề, việc đào tạo phải gắn với nhu cầu lao động mà trước hết là gắn với người sử dụng lao động (các doanh nghiệp). Ở nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc…việc đào tạo nghề được tiến hành trong  công ty, xí nghiệp và đã chứng tỏ rất hiệu quả. Thực tế cho thấy, bao giờ cũng có độ trễ về đào tạo so với nhu cầu sử dụng nên trong đào tạo nghề, có thể khắc phục bằng cách chia nhỏ các giai đoạn đào tạo (đào tạo theo modul) hay thiết kế các modul thích ứng…Đối với người lao động, việc đào tạo nghề và đào tạo lại có thể tiến hành trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.

“Hầu hết các học viên sau khi hoàn thành các chương trình GDNN đều hy vọng sẽ có cơ hội tiếp tục được đào tạo tại nơi làm việc hay trong các cơ sở đào tạo tư thục hoặc công lập. Vì vậy, việc quản lý chương trình và nội dung đào tạo phải đảm bảo đầu vào linh hoạt và các cơ hội đầu ra trong suốt cuộc đời. Các học viên tốt nghiệp các chương trình  GDNN mong muốn thu nhận được những kỹ năng mới thông qua việc đào tạo lại, cần có các cơ hội học tập suốt đời. Một số đề xuất nhằm tạo điều kiện cho hướng đi này bao gồm: thiết kế các khóa học theo mô hình modul, giới thiệu phương pháp đánh giá dựa trên năng lực, sử dụng hình thức học tập tự điều chỉnh nhằm đáp ứng các nhu cầu của cá nhân và công nhận những kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng được tích luỹ trước đó của người được đào tạo.”

(theo văn kiện Hội nghị thế giới về  Giáo dục nghề nghiệp-UNESCO-1999)

Để đào tạo gắn với thị trường lao động, phải có định hướng về sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Nhà nước phải xây dựng hệ thống thông tin về hướng phát triển của các ngành nghề, dự báo về nguồn nhân lực và thị trường lao động. Ở các nước phát triển như Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch…,hệ thống thông tin và dự báo này hoạt động khá tốt (có cơ quan của Nhà nước đảm trách công việc này). Ngoài ra, người dân còn được cung cấp những phần mềm tin học, những trang Web miễn phí…về lĩnh vực nghề nghiệp.

Trong xã hội phát triển, công tác hướng nghiệp cũng cần có những đổi mới. Hướng nghiệp hiện nay chính là hướng đến việc làm vì trong nền kinh tế tri thức, nghề nghiệp của một người không hẳn là suốt đời. Con người phải linh hoạt, đa dạng, có khả năng thích ứng cao…trong thế giới nghề nghiệp để có thể dễ dàng chuyển nghề. Vì vậy, con người phải học tập, đào tạo suốt đời (Fomation tout au long de lavie).Trước đây, người ta thường đề cao các chỉ số: IQ (thông minh), CQ (sáng tạo)… nhưng hiện nay các chỉ số EQ (cảm xúc), AQ (vượt khó) và PQ (đam mê) được coi trọng trong hướng nghiệp.

Trong tư vấn hướng nghiệp, điều cần lưu ý là con người có năng lực bẩm sinh nhưng cũng có năng lực tiềm năng, năng lực đó sẽ được phát huy khi hành nghề. Mặt khác, năng lực tiếp tục được hình thành trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy, tư vấn hướng nghiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi đánh giá năng lực sẵn có mà phải hỗ trợ, đánh giá năng lực cá nhân (tiềm năng) và tiến hành tổng kết năng lực, kỹ năng của người lao động ( ở Pháp có Trung tâm (CIBC) đảm trách việc này).

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghệ tin học phát triển hàng ngày, hàng giờ.   Kinh tế phát triển mạnh, xã hội thay đổi, nhiều ngành nghề mới xuất hiện và một số ngành nghề cũng mất đi. Trước thực trạng này, con người đối diện với tương lai không chắc chắn: sự không ổn định trong nghề nghiệp. Vấn đề đặt ra trong hướng nghiệp là : làm thế nào để giúp con người đối mặt và giải quyết những khó khăn trong nghề nghiệp, giúp họ dịch chuyển một cách tốt nhất? Tư vấn hướng nghiệp trong thời đại hiện nay phải giúp cá nhân đương đầu với những thay đổi bằng việc phân tích các tình huống… Nhà tư vấn có thể không đưa ra lời khuyên cụ thể mà giúp cá nhân thích ứng với hoàn cảnh mới,  vượt qua khó khăn, hình thành lại niềm tin...

“Trong môi trường việc làm thay đổi ngày càng nhanh chóng, chỉ dẫn (guidance) và tư vấn (counselling) giáo dục và nghề nghiệp là hết sức quan trọng và phải là một bộ phận cấu thành của tất cả các chương trình GDNN bởi nó góp phần nâng cao tính tương thích và hiệu quả của đào tạo.

Hoạt động tư vấn nghề nghiệp cần phải hiểu và đánh giá đúng các năng lực của học viên và người được đào tạo, và phải giúp họ khám phá các lựa chọn nghề nghiệp. Sự tích hợp các môn học về nghề nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông phải được đi kèm bởi các chỉ dẫn giúp khuyến khích học sinh có được thái độ tích cực đối với công việc.

Chỉ dẫn và tư vấn nghề nghiệp phải xác định việc phát triển nghề nghiệp là một quá trình mang tính hệ thống trong đó các cá nhân hình thành và phát triển ý thức nghề nghiệp, khả năng có việc làm và sự trưởng thành. Chỉ dẫn và tư vấn nghề nghiệp phải theo sát các yêu cầu của thị trường lao động và giúp đỡ học sinh xây dựng và phát triển các kế hoạch nghề nghiệp sao cho phù hợp nhất với bản thân”.

(theo văn kiện Hội nghị thế giới về  Giáo dục nghề nghiệp-UNESCO-1999).

Liên hệ với thực tế Việt Nam

Việt Nam đang bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế chuyển từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Năm 2006, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Bối cảnh quốc tế và trong nước vừa tạo thời cơ lớn vừa đặt ra những thách thức không nhỏ cho giáo dục nghề nghiệp ở Việt nam . Quá trình tăng cường hợp tác khu vực ASEAN và các nước trên thế giới đã và đang đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về kinh tế mà cả về giáo dục đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực theo các chuẩn mực đào tạo khu vực và quốc tế.

Đồng thời, những tiến bộ khoa học- công nghệ và những đổi mới về tổ chức, quản lý sản xuất-dịch vụ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội cũng đặt ra những yêu cầu mới về cơ cấu và chất lượng đào tạo nhân lực nói chung và đào tạo nghề nghiệp  nói riêng.

Các nghiên cứu gần đây về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực ở các nước cho thấy Việt nam  chỉ đạt 3,79 /10 (so với Trung quốc là 5,73/10 và Thái lan là 4,04/10). Nước ta không chỉ thiếu lực lượng lao động kỹ thuật mà còn thiếu trầm trọng  cả đội ngũ cán bộ hành chính, cán bộ quản lý chất lượng cao. Nhân lực được đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp dù đã có những chuyển đổi để thích nghi với nền kinh tế thị trường song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn với việc làm. So với các nước, sản phẩm đào tạo - nguồn nhân lực - ở Việt Nam chất lượng còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh do năng lực hoạt động, năng lực chia sẻ và năng lực hòa nhập kém dù người Việt Nam không thiếu sự thông minh và cần cù. Đặc biệt, so với các nước, người lao động ở nước ta ở mức rất thấp về sự thành thạo tiếng Anh và công nghệ cao. Vì vậy, xuất khẩu lao động tuy mang lại ngoại tệ cho đất nước và giúp nhiều nông dân đổi đời song nhìn chung người lao động Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu chỉ biết lao động đơn giản nên làm việc vất vả mà mức lương không cao.

Nói chung, kinh tế Việt Nam chưa bắt kịp kinh tế của các nước phát triển. Lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với hai ngành: công nghiệp và dịch vụ. Người lao động ít thay đổi nghề nghiệp (72% lực lượng lao động chưa bao giờ thay đổi việc làm – Khảo sát của Henaff, Martin năm 1999).Thương mại chiếm đa số trong việc chuyển đổi lao động và là điểm dừng chân chính cho những người rời bỏ nghề nghiệp ban đầu. Việc hầu hết người dân giữ nguyên công việc và nơi sinh sống do nhiều  nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là sự lạc hậu, bất cập trong đào tạo nghề và sự phiến diện trong hướng nghiệp.

Trong vài năm gần đây, kinh tế-xã hội Việt Nam có những bước phát triển mạnh, việc thay đổi cơ cấu ngành nghề và trình độ của nhân lực lao động trong xã hội đã làm nảy sinh nhu cầu của người lao động. Đó là được bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp và đào tạo lại để chuyển đổi vị trí làm việc cũng như nghề nghiệp.

Thực trạng về lao động và việc làm, về chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta đã đặt ra những yêu cầu mới về đào tạo nghề và hướng nghiệp. Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu: ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề, trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong giáo dục nghề nghiệp, cần gắn nối chặt chẽ, đa dạng hóa hình thức giảng dạy, học tập và nâng cao trình độ cho cả trung cấp chuyên nghiệp lẫn dạy nghề. Đặc biệt, việc đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Trước hết,  cần gắn các trường lớp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế...; cần có chính sách và cơ chế thích hợp để các trường, lớp này là những nguồn đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp cung cấp cho chính các đơn vị này. Mặt khác trong cơ cấu trình độ của giáo dục chuyên nghiệp, không thể dừng đào tạo ở các bằng cấp như hiện nay. Đã đến lúc cần phải mở các trường chuyên nghiệp theo hướng thực hành cao ở trình độ cao đẳng và đại học.

Trong đào tạo nghề, không chỉ dừng ở việc đào tạo cho người lao động có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà còn đào tạo và hình thành các năng lực mềm (thích nghi, biến đổi...) để con người có thể linh hoạt trong lựa chọn nghề và chuyển đổi nghề nghiệp. Cần mở nhiều trường, lớp đa dạng hơn và có trình độ cao hơn để có thể có được một đội ngũ đông đảo những người lao động có trình độ bán lành nghề, lành nghề và tay nghề bậc cao theo nghề nghiệp mà mình được đào tạo.

Bối cảnh xã hội ở Việt Nam cũng làm nảy sinh những yêu cầu mới về hướng nghiệp. Hiện nay, hoạt động Giáo dục hướng nghiệp đã được đưa vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông song do đội ngũ giáo viên chưa chuyên trách, nguồn kinh phí và cơ sở vật chất dành cho hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức... nên kết quả còn hạn chế. Cần mở rộng cơ chế chính sách để đưa tư vấn hướng nghiệp vào nhà trường phổ thông và có kinh phí dành cho hoạt động này.

Trong hướng nghiệp ở trường phổ thông, giáo viên cần “theo sát yêu cầu của thị trường lao động và giúp đỡ học sinh xây dựng và phát triển các kế hoạch nghề nghiệp sao cho phù hợp nhất với bản thân”. Hướng nghiệp là hướng đến thế giới việc làm, không phải hướng đến 1 nghề mà hướng đến một nhóm nghề và rộng hơn. Trong hướng nghiệp có cả hướng học nên trong trường phổ thông việc quan trọng là tư vấn hướng học cho học sinh. Tư vấn hướng nghiệp không chỉ chú ý đến sự phù hợp, thích ứng nghề nghiệp mà cần quan tâm hơn đến sự say mê, hứng thú, khám phá thế giới nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần mở rộng công tác hướng nghiệp sang các trường ĐH, CĐ, TCCN và các đối tượng ngoài xã hội.

Để giúp cho công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả, nước ta cần có  một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai một cách thống nhất, đầy đủ. Nhà nước cần thành lập một cơ quan quốc gia có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng trong việc thu thập và xử lý, phổ biến các thông tin về thị trường LĐ và dự báo về nguồn nhân lực...

Đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết trên, việc đào tạo nghề và hướng nghiệp ở nước ta sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, hòa nhập với thế giới. Sản phẩm đào tạo-nguồn nhân lực-sẽ phát triển và có chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và đáp ứng được những thách thức của quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.

Lê Thị Thu Thủy

Nguồn http://tsc.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=46&articleid=25